Chuyên gia y tế chia sẻ cách sử dụng nước muối sinh lý đúng cách cho trẻ
Nhìn chung nước muối sinh lý tương đối an toàn sức khỏe trẻ nhỏ, tuy nhiên chúng lại mang tác dụng ngược lại và ảnh hưởng đến chức năng cơ thể nếu lạm dụng.
- Tổng hợp một số trường hợp sơ cứu hiệu quả cho trẻ
- Tìm hiểu bệnh di truyền từ cha mẹ sang con cái và cách phòng tránh
- Cha mẹ cần cẩn thận với bệnh viêm Amidan ở trẻ nhỏ
Sử dụng nước muối sinh lý đúng cách cho trẻ
Thời điểm giao mùa từ thu sang đông là thời điểm các bệnh lý vể tai mũi họng phát triển đặc biệt ở trẻ em với biểu hiện thường gặp là chảy nước mũi, ngạt mũi. Một loại nước rửa được sử dụng phổ biến là nước muối sinh lý. Tuy nhiên cách sử dụng nước muối sinh lý cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết? Để giúp các bậc cha mẹ có được thông tin chính xác để sử dụng nước muối sinh lý sao cho an toàn và hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề nuôi con khỏe, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tai mũi họng hiện đang công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y Dược Pastuer.
Hỏi: Thưa chuyên gia, chuyên gia có thể cho độc giả biết về tác dụng của nước muối sinh lý?
Trả lời:
Nước muối sinh lý có nồng độ 0,9% có tác dụng sát khuẩn làm sạch các bụi bẩn, loại bỏ chất nhầy, mầm bệnh ở tai, mũi , họng, mắt, vết thương…
Hỏi: Một số bà mẹ cho rằng nước muối sinh lý rất an toàn nên có thể sử dụng thường xuyên rửa mũi cho trẻ. Theo chuyên gia, quan niệm đó có đúng không?
Trả lời:
Nước muối nhìn chung tương đối an toàn tuy nhiên không được lạm dụng việc rửa mũi cho trẻ. Việc rửa mũi thường xuyên như vậy sẽ làm mất đi lớp nhầy tự nhiên tạo độ ẩm và ngăn ngừa bụi bẩn trong khoang mũi, càng làm tăng nguy cơ gây khô mũi, viêm mũi.
Chỉ khi trẻ bị viêm mũi, bị nghẹt mũi do dịch mũi đặc không thể chảy ra ngoài…mới sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ. Trường hợp nếu muốn phòng bệnh hô hấp cho con bằng nước muối sinh lý thì hàng ngày mẹ chỉ nên nhỏ vài giọt vào mũi cho con khi vệ sinh mặt mũi, hoặc khi cho con ra ngoài tiếp xúc chỗ công cộng về thì nhỏ nước muối để làm sạch.
Hỏi: Vậy chuyên gia có thể hướng dẫn cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho độc giả?
Trả lời:
Chuyên gia Vinh Quang – Cao đẳng Y Dược Tp.HCM – Trường CĐ Y Dược Pasteur trả lời câu hỏi như sau: “Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là bước đầu tiên khi điều trị cho con bị viêm tai – mũi – họng. Rửa mũi sạch sẽ cho con trước khi dùng thuốc do bác sĩ kê sẽ giúp thuốc phát huy hiệu quả. Đặc biệt với những trẻ viêm tai giữa mà còn bị sổ mũi thì việc rửa mũi cực kỳ quan trọng, nếu không bệnh của con sẽ càng thêm nặng. Chỉ khi mũi con hết viêm, khô thoáng thì tình trạng viêm tai mới thuyên giảm.”
Hướng dẫn cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Tuy nhiên vì tai mũi họng thông nhau nên nếu rửa mũi không đúng cách có thể gây viêm mũi nặng hơn, gây viêm tai giữa. Do vậy chỉ nên rửa mũi cho trẻ khoảng 3 lần/ ngày. Rửa đúng kỹ thuật. Rửa mũi khi trẻ thức. Rửa mũi cho trẻ trước bữa ăn, vì rửa sau khi ăn có thể khiến trẻ nôn trớ.
Trường hợp trẻ nhỏ chưa biết ngồi:
Đầu tiên đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường. Để đầu thấp, mông cao đặt một tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc giãy giụa có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi. Tiếp đến lót khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó.
Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng, cha mẹ có thể tiến hành rửa luôn. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nên nhỏ 2-3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm, nhẹ nhàng dùng tay day mũi bé để gỉ mềm và bong ra ngoài. Sau đó đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch và gỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ phía dưới.
Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia. Cách làm tương tự. Nếu dịch mũi quá đặc và không thể trôi ra theo nước, có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thường xuyên dùng dụng cụ này vì áp lực lớn dễ gây tổn thương niêm mạc mũi. Lưu ý bơm rửa cho đến khi nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi nhầy.
Trường hợp trẻ đã biết ngồi:
Kinh nghiệm chăm con đối với trường hợp trẻ đã biết ngồi chính là để trẻ ngồi cúi đầu sẽ tránh được nguy cơ trẻ sặc hoặc dịch mũi bị chảy ngược lên gây viêm tai, sau đó rửa mũi tương tự như khi trẻ nằm nghiêng.
(Thông tin mang tính chất tham khảo)
Nguồn: giaoductretho.net tổng hợp