Nuôi con chậm lớn có phải lỗi do mẹ?

Mẹ không tiếc thời gian để chăm sóc, nấu nướng cho con ăn, nhưng con lại ngày càng gầy gò, xanh xao, liệu việc con chậm phát triển có phải là lỗi do mẹ.

Con lười ăn luôn là nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ

Con lười ăn luôn là nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ

Học cách “tôn trọng” dạ dày con

Nếu ai đã từng nuôi con nhỏ, đã từng làm mẹ thì sẽ hiểu được nỗi lòng của một người mẹ như tôi, một người mẹ vụng về khi không thể nuôi con béo khỏe như bao bà mẹ khác. Ngày bé con bụ bẫm phát triển bao nhiêu thì lớn hơn một chút con lại còi cọc, xanh xao bấy nhiêu mặc dù con không hề bị bệnh, đây có lẽ là giai đoạn mẹ bị khủng hoảng về tinh thần nhất khi nhìn còn ngày xơ xác, gầy đi trông thấy. Mẹ đã lên các diễn đàn tâm sự eva để “cầu cứu”, học hỏi kinh nghiệm từ các bà mẹ nuôi con khác và mẹ đã áp dụng đủ cách với con nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Rồi mẹ được chỉ đưa con đến một bác sĩ viện nhi. Ông là bác sĩ nhi duy nhất mà mẹ thấy ân cần cầm tay con, hỏi han, vui đùa cùng con để khám bệnh cho con. Bác sĩ nói con hoàn toàn khỏe mạnh, nếu có người bị bệnh thì đó là mẹ chứ không phải là con. Mẹ nuôi con nhưng lại luôn nhìn vào sự phát triển của những đứa trẻ cùng trang lứa để so sánh cân nặng, chiều cao với con, vì thế chính mẹ đã tự tạo áp lực cho mình. Qua buổi khám bệnh mẹ cũng hiểu, để nuôi con khỏe mạnh thông minh mẹ cũng cần phải học cách nuôi con dân chủ và tôn trọng con, để mẹ và con cùng “hợp tác” phát triển, thay vì việc mẹ cứ bắt con ăn và làm những thứ mà mẹ vốn đã đặt ra.

Nhưng con khỏe mạnh mới là điều quan trọng

 Con khỏe mạnh mới là điều quan trọng

Làm sao để với con ăn là hạnh phúc?

Đã có rất nhiều bà mẹ để con được ăn 1 bát cháo đã phải bế đi khắp làng trên xóm dưới hay cả nhà ra cổ vũ, hô hào để con được ăn hết khẩu phần vốn có và cũng có bà mẹ sẵn sàng đánh con, dọa con để con há miệng ăn, tất cả những điều đó một người mẹ như tôi đều hiểu. Vì tôi cũng đã làm như thế với chính con mình và tới tận bây giờ tôi vẫn chưa thể tìm ra niềm hạnh phúc trong ăn uống cho con. Tôi đã la mắng khi con nôn làm cho bé sợ và có khi nôn ra tới miệng lại bắt con gắng nuốt ngược vào cho bằng được. Tôi cố sửa cho con tật ngủ mút tay thành ra làm con ngủ chập chờn không tròn giấc. Có những việc làm mà hậu quả của nó tôi không lường hết được.

Nhưng có lẽ tôi đã sai, tôi sai khi không hề biết rằng đây là giai đoạn con đang lớn, con có sự nhạy bén rất tốt về suy nghĩ cũng như hành động, việc tôi và các bà mẹ ép con ăn trong nước mắt chỉ khiến con tổn thương về tâm lý, vì thế mà có lần tôi chưa kịp cho con ăn mới chỉ cầm bát bột mà con đã khóc ngằn ngặt.

Và tôi cũng nhận ra, chúng ta những bậc làm cha, làm mẹ cần tôn trọng con. Tôi nhìn xung quanh ngay cơ quan tôi, người ngồi bên trái nặng hơn tôi 10 cân, người ngồi bên phải nhẹ hơn tôi 5 cân. Nhưng cả ba chúng tôi đều làm việc tốt, đều sống bình thường, cớ sao chúng ta lại phải ép con bằng mọi giá chỉ để con được cân nặng như các bạn. Cân nặng và chiều cao không phải là yếu tố duy nhất phản ánh con có bị suy dinh dưỡng hay không vì thế các mẹ hãy tôn trọng con mình coi con mình như một cá thể thay vì bắt con làm theo ý kiến của người lớn.

Cao to vượt trội, thông minh hẳn là rất có ưu thế. Nhưng giữ được cuộc sống vui vẻ và thoát khỏi những xiềng xích mình tự trói buộc mới thật là hạnh phúc. Hãy tuân thủ sự đa dạng của cuộc sống, nếu mai này con không đủ cao để làm người mẫu hay tiếp viên hàng không, con hoàn toàn có thể trở thành một nhà quản lý, một nhà thiết kế miễn là con được sống hạnh phúc trong tiếng cười từng ngày thay vì những trận khóc khô cả mắt.

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội