Làm con của cha mẹ Việt thật khó

Được sống là chính mình luôn là mong ước của tất cả mọi người, vậy hà cớ gì bắt trẻ con phải sống theo sự sắp đặt vốn có của người lớn.

Làm con thật khó

Làm con thật khó

Ai nói làm trẻ con là sướng?

Người ta thường nói, trong cuộc đời con người sướng nhất là lúc mới sinh ra và khi về già, vì lúc đấy con người ta được sống tự do, vô lo, vo nghĩ như một cây cỏ. Nhưng liệu suy nghĩ và quan niệm sống đó còn đúng ở trong thế kỉ 21, ở thế kỉ mà mọi người ganh đua, đố kỵ nhau chuyện hơn thua, nên vô hình người ta cũng áp đặt cái lối sống kiểu “công nghiệp” ấy lên con trẻ, khiến tuổi thơ của nhiều đứa trẻ đã không còn vẹn nguyên.

Có một sự thực là cha mẹ nào cũng luôn vỗ ngực nói mình yêu thương con nhất, mình có thể làm tất cả để con có một cuộc sống đầy đủ và ấm no, nhưng thiết nghĩ nhiều cha mẹ họ đang áp đặt con cái mình một cách quá mức, họ đã bỏ qua và không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của con mà thay vào đó là bắt con làm theo suy nghĩ của người lớn. Người lớn tự cho mình cái quyền mình lớn nên mình hiểu biết và những cái gì mình làm chắc chắn phù hợp, tốt với con.

Phải nói, trẻ con khổ ngay từ lúc mới được sinh ra, con ra đời đúng giới tính cha mẹ muốn thì cha chu toàn, mẹ hớn hở. Chẳng may trái ý thì cha bỏ bê, mẹ âu sầu. Mà nào phải chỉ cha mẹ, còn cả dòng họ bên nội, bên ngoại cũng sẵn sàng buông bỏ những câu như dao cứa vào lòng.

Ở xứ ta, cha mẹ nào chả đã từng phết đít con, quát mắng con, ép buộc con, thậm chí chửi rủa con, rồi tự biện minh những hành động ấy xuất phát từ mục đích là nuôi con khỏe dạy con khôn. Nhưng chả mấy ông bố, bà mẹ nghĩ và quan tâm đến nguyện vọng của con, thành thử cha mẹ không khác nào đang sống thay con. Phải làm sao bắt con học giỏi bằng mọi cách, mọi giá, nếu không cha mẹ sẽ không còn cái lỗ nào để mà chui khi cảm thấy xấu hổ vì những gì con làm.

Rồi đâu chỉ có sống khổ, mà ngay cả vấn đề ăn uống trẻ con cũng khổ vì cha mẹ. Chỉ vì nhồi con ăn cho đủ “chỉ tiêu”, cả nhà thành đám xiếc bố đánh trống thổi kèn, bà ngoại múa hát, con chạy mẹ đuổi theo khắp xóm, gặp ai cũng nhờ dọa cháu một tí để nó sợ há miệng ra. Mặc kệ đứa bé la khóc, đút được muỗng bột nào thì cả nhà vỗ tay và cười như công nông lên dốc. Vấn đề này xảy ra đa phần ở trẻ từ 1- 3 tuổi, cái giai đoạn mà con phát triển mạnh nhất về trí não, cái giai đoạn mà cha mẹ cần mang đến cho con tiếng cười sự vô tư thì đây chỉ toàn tiếng khóc và hét.

Cha mẹ hãy để con được sống là chính mình

Cha mẹ hãy để con được sống là chính mình

Cha mẹ nên học cách làm bạn của con

Kiểu gì nhiều người sẽ cho rằng nếu cứ để trẻ sống theo ý muốn và tính cách cá nhân của mình thì sớm muộn con cũng sẽ phát triển lệch lạc không đúng với quỹ đạo. Nhưng đó là cha mẹ đã quá nhạy cảm, việc giáo dục trẻ em không quá khó và khủng khiếp như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ. Trước tiên cha mẹ cần là bạn của con, lắng nghe tâm tư nguyện vọng để từ đó định hướng và giúp con phát triển theo cách tự nhiên và phù hợp nhất. Trẻ con chúng cũng như người lớn chúng cũng có những suy nghĩ và nguyện vọng riêng chỉ khác ở chỗ người lớn có thể nói ra và tự giải quyết còn với trẻ con chúng chỉ có thể biểu đạt qua hành động.

Có lẽ đã đến lúc cha mẹ nên tự mình sống cuộc sống của mình và để con cái sống cuộc sống của con. Hãy yêu đứa con, đừng coi con là một mối “đầu tư”. Đừng sống giùm con, cũng đừng bắt con phải thực hiện thay cha mẹ những mong muốn chưa thành. Đừng ngã giá với con về sự hy sinh của cha mẹ, chỉ có như thế cha mẹ mới nuôi dạy con ngoan theo cách khoa học nhất cho cả mẹ và bé.

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội