Những thói quen mẹ nên duy trì để giảm nôn trớ ở trẻ nhỏ
Ngoại trừ nguyên nhân do bệnh lý, những trường hợp trẻ sơ sinh bị nôn trớ sữa thông thường đều có thể được cải thiện, nhờ thay đổi một vài thói quen nhỏ khi cho bé bú.
- Chuyên gia hướng dẫn chăm sóc trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi
- Cùng chuyên gia bỏ túi những kỹ năng chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi
- Những thực phẩm “vàng” cho bé trong thời kỳ ăn dặm
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn non yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ nên khi bú, bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi “dư thừa” này không chỉ làm bé dễ no hơn mà còn làm trẻ hay nôn trớ sữa sau khi bú. Hiện tượng này khá phổ biến nếu chủ quan có thể dẫn đến bé bị sặc nguy hiểm hoặc trẻ chậm lớn do thiếu chất. Để giúp con thoát khỏi tình trạng này, mẹ cần thay đổi cách cho ăn và một số lưu ý trong sinh hoạt để đảm bảo có thể nuôi con khỏe.
Vì sao trẻ hay bị nôn trớ khi bú sữa?
Chia nhỏ khẩu phần của bé
So với những bé lớn, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh có dung tích nhỏ hơn rất nhiều. Dung tích dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ và sẽ tăng dần theo thời gian, thay vì cho bé bú quá nhiều trong 1 lần, mẹ nên cho bú nhiều lần hơn và không nên ép bé ăn quá no. Với lượng sữa đã được giảm bớt mỗi lần, giúp bé tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn.
Không được cho bé nằm ngay sau khi bú sữa
Trẻ sơ sinh lúc đang bú mẹ rất dễ nuốt hơi vào trong dẫn đến đầy hơi. Nếu lúc này, mẹ cho bé nằm ngay, tình trạng nôn trớ rất dễ xảy ra. Vì vậy, sau khi cho bé ăn xong, mẹ nên giữ không cho bé nằm ngay. Có một cách rất tốt là mẹ tìm cách cho bé ợ hơi để “giải thoát” bớt lượng khí thừa, tránh làm con bị đầy bụng, khó tiêu. Mẹ có thể bế thẳng bé, vỗ nhẹ sau lưng cho bé ợ hơi thừa ra ngoài.
Cho bé bú đúng cách
Có thể mẹ không biết, việc bú không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ. Với những bé bú mẹ, nếu lượng sữa mẹ cho bé bú nhiều hơn lượng sữa miệng bé có thể nuốt mỗi lần sẽ khiến thực phẩm trong dạ dày bị trào lên, khiến bé bị nôn trớ. Ở những bé bú bình không đúng cách cũng sẽ “hút” vào cùng lúc một lượng khí thừa đáng kể trong khi nuốt, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của bé.
Để tránh tình trạng này, đổi với trẻ bú mẹ, mẹ nên cho bé bú từ từ, tránh để bé ăn quá no mỗi lần. Với bé bú bằng bình, mẹ nên có thói quen giữ cho bình sữa nghiêng 45 độ, sao cho sữa luôn ngập cổ bình, không để khí không vào dạ dày bé.
Việc mẹ cho con bú đúng cách cũng hạn chế tối đa việc nôn trớ ở con
Tránh xa khói thuốc lá
Khói thuốc thụ động của những người xung quanh không chỉ ảnh hưởng đến quá trình con đang lớn mà khói thuốc còn có thể khiến bé cưng tăng tiết a-xít trong dạ dày nhiều hơn. Vì vậy, mẹ nên cố gắng hạn chế, không cho bé tiếp xúc với môi trường khói thuốc.
Tư thế ngủ đúng cho bé
Đối với những em bé hay bị trớ, có thể do trào ngược dạ dày thực quản, mẹ đừng chủ quan nghĩ rằng khi ngủ thì con không thể trớ nhé. Thực tế có nhiều em bé khi ngủ vẫn có thể trớ, trớ lúc nằm ngủ rất dễ dẫn đến ặc sữa và vô cùng nguy hiểm nhé. Vì vậy, mẹ nên chọn tư thế ngủ đúng không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà cũng có thể cải thiện phần nào nguy cơ bị trào ngược. Mẹ có thể nâng đầu nằm của bé lên cao một góc 30 độ, chính độ nghiêng này sẽ giúp thực phẩm trong dạ dày không trào ngược lên trong lúc bé ngủ.\
Bé bị nôn trớ cũng có thể bắt nguồn từ việc cơ thể và chế độ ăn đang thiếu canxi
Bổ sung canxi cho bé
Nôn trớ đi kèm với triệu chứng vặn mình, khó ngủ mỗi đêm có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé không có đủ lượng canxi cần thiết. Trong trường hợp này, bổ sung canxi đầy đủ là cách tốt nhất để giúp bé đảm bảo sức khỏe cũng như hạn chế tình trạng nôn trớ diễn ra thường xuyên.
Nếu đã thử hết những cách trên, nhưng tình trạng nôn trớ của bé vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, mẹ nên đưa bé đi thăm khám. Trong một vài trường hợp, nôn trớ đi kèm với một vài dấu hiệu bất thường như trẻ không tăng cân, sốt, ho dai dẳng, khóc thét từng cơn, đại tiện phân nhầy máu hoặc 3-5 ngày không đại tiện kèm theo chướng bụng có thể do một nguyên nhân bệnh lý nào đó. Vì vậy việc đi khám ngay là vô cùng cần thiết để tìm giải pháp, đảm bảo an toàn cho bé.