Quá trình phát triển hệ xương của trẻ như thế nào?
Chiều cao, dáng vóc, sức khỏe phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của hệ xương. Nếu quá trình phát triển hệ xương của trẻ diễn ra thuận lợi là cơ sở để cơ thể phát triển khỏe mạnh.
- Hướng dẫn trẻ biết cách tự bảo vệ sức khỏe ngay từ nhỏ
- Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị rôm sảy
- Các bước chăm sóc trẻ bị tự kỷ chuẩn nhất hiện nay
Quá trình phát triển hệ xương của trẻ
Hệ xương trẻ em khác với người lớn như thế nào?
Quá trình tạo xương và hoàn thiện xương được bắt đầu từ thời kỳ bào thai và kết thúc lúc 20-25 tuổi. Đặc điểm của xương trong mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, cha mẹ cần lưu ý để có định hướng chăm sóc phù hợp để nuôi con khỏe.
Ở thời kỳ bào thai, xương hầu hết là tổ chức sụn, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các xương lớn hầu hết đã được tượng hình.
Ở trẻ sơ sinh xương có đặc điểm về hình thể: Đầu to, thân dài, chân tay ngắn, xương sống hầu như thành một đường thẳng, lồng ngực tròn mềm và dễ biến dạng. Xương của trẻ sơ sinh có rất nhiều nước và ít muối khoáng. Khi lớn lên số lượng nước giảm xuống lượng muối khoáng tăng dần lên. Đến năm 12 tuổi, xương của trẻ có thành phần giống với người lớn. Do những đặc điểm trên nên xương của trẻ em mềm, khả năng chun giãn tốt, ít bị gãy và gãy cũng rất nhanh liền.
Sự phát triển bộ xương của trẻ như thế nào?
Xương sọ: Hộp sọ không phải một khối liền kín ngay từ đầu, mà lạ sự ghép lại của các mảnh xương sọ, các khớp nối sẽ kín dần theo năm tháng. Trẻ sơ sinh có đặc điểm phần đầu dài hơn phần mặt, trẻ đẻ ra có 2 thóp là thóp trước và thóp sau. Đây là vị trí giao cắt giữa 3 – 4 mảnh sọ chưa được đóng kín nên não bộ vùng này là điểm xung yếu không được xương sọ bảo vệ.
Hình dạng đầu bé mới sinh và sau sinh 24h
Theo nữ Hộ sinh tốt nghiệp Cao đẳng Hộ sinh Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur khi chia sẻ kinh nghiệm chăm con cho các bà mẹ mới sinh, thóp trước lớn hơn và kín khi trẻ được 12-18 tháng, thóp sau nhỏ hơn, kín trong 3 tháng đầu. Nhờ có thóp mà xương sọ có thể phát triển được, nên trong bệnh lý đầu nhỏ thóp đóng quá sớm làm xương sọ và não bộ không có không gian để phát triển. Ngược lại bệnh còi xương làm xương chậm phát triển thóp sẽ chậm kín.
Xương sống: Trong quá trình vận động phát triển trục của xương sống cũng có sự biến đổi. Thai nhi nằm trong tử cung chật hẹp tư thế thai nhi làm trục cột sống cong, Trẻ sơ sinh xương sống nhiều sụn và rất thẳng. Khi trẻ lẫy lật lúc 2 tháng trục sống đoạn cổ ngả sau, lúc trẻ biết ngồi cột sống cong về sau, trẻ biết đi đoạn lưng cong về trước, đến khoảng 7 tuổi thì xương sống cong vĩnh viễn ở cổ và ngực, đến tuổi dậy thì cong thêm ở vùng thắt lung. Cột sống chính thức có hình dạng uốn cong như người trưởng thành. Do xương sống nhiều sụn, dễ uốn cong, chưa định hình chắc chắn nên dễ bị biến dạng gù veo cột sống nếu cho trẻ ngồi sớm, cắp nách, ngồi học không đúng tư thế.
Xương chi: Chân tay của trẻ sơ sinh ban đầu có hiện tượng cong sinh lý, sau 1 tháng thì hết. Nên những trẻ phát triển bình thường chân tay sẽ không bao giờ cong quá. Nếu trẻ bị còi xương, viêm khớp… không chỉ ảnh ảnh hưởng chung đến sức khỏe của trẻ mà có thể gây cong chi. Đặc biệt lưu ý, xương khớp cổ tay tới 7 tuổi mới hình thành, 10-13 tuổi mới cốt hóa thành xương. Do đó không được tạo áp lực nặng lên đôi tay trẻ làm ảnh hưởng tới tạo hình xương, nguy cơ biến dạng.
Có thể thấy, ở mỗi một giai đoạn quá trình phát triển hệ xương của trẻ sẽ diễn ra khác nhau. Tùy vào mỗi giai đoạn mà cha mẹ có những phương pháp chăm sóc hợp lý để trẻ phát triển toàn diện. Tham khảo ý kiến chuyên gia luôn là việc làm đúng để trẻ có một sức khỏe tốt!
Nguồn: giaoductretho.net