Hướng dẫn mẹ cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cho con

Để tiết kiệm thời gian nhiều bà mẹ thường làm đồ ăn trữ đông cho con dùng dần, tuy nhiên việc bảo quản cần đúng cách mới giúp đồ ăn luôn tươi ngon và  không mất giá trị dinh dưỡng.

Hướng dẫn cách sắp đồ trong tủ cho đúng

Cách sắp xếp đồ trong tủ

Việc sắp xếp đồ ăn đúng vị trí sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm dù là sống hay chín. Trước tiên khi cho đồ ăn vào tủ bạn cần bọc kín bằng nylon hoặc cho vào các hộp nhựa có nắp đậy kín để không bốc mùi khó chịu trong tủ lạnh cũng như hạn chế việc các vi sinh vật từ trong thức ăn phát triển, rồi mới xếp vào các ngăn trong tủ lạnh theo thứ tự thực phẩm chín (thực phẩm đã qua nấu nướng) ở ngăn trên và thực phẩm sống (chưa qua nấu nướng) ở ngăn dưới nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín, từ thực phẩm chưa sạch sang thực phẩm sạch.

Hãy sắp xếp mọi thứ xen kẽ nhau và đặc biệt là phải thông thoáng ở vị trí hệ thống khí, vì như vậy sẽ làm cho hệ thống khí làm lạnh lan tỏa đều khắp tủ lạnh, đảm bảo nhiệt độ, không ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản. Đặc biệt mẹ không nên nhồi nhét quá nhiều đồ, việc này dẫn đến nhiệt lạnh không lan tỏa đều và các đồ ăn đè lên nhau rất nhanh hỏng.

Đồ ăn mẹ nên bọc kín hoặc ho vào hộp trước khi bỏ tủ lạnh

Cách bảo quản thịt, cá, trứng, sữa cho con

Những thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa… vốn là những thứ không thể thiếu trong quá trình nuôi con đang lớn, vì chúng cần có hàng ngày trong các bữa ăn của con. Vì thế mẹ chú ý cách bảo quản như sau:

Thịt, cá: chúng ta không nên bảo quản thịt, cá tươi hơn một tuần trong tủ lạnh vì nếu để quá lâu, các phân tử protein sẽ bị biến tính, cũng không còn tốt cho sức khỏe. Đặc biệt đối với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ nhỏ. Nếu bảo quản ở ngăn đá, chúng ta cần làm sạch thịt, cá tươi trước khi bọc kín nhiều lớp để ngăn cho không khí bên ngoài lọt vào nhằm tránh đông đá quá nhiều trên bề mặt hay không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị chúng ta chỉ rã đông với lượng vừa đủ để sử dụng.

Trứng: Trứng cần được giữ nguyên trong hộp thoáng khí hoặc đặt vào khay đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh nhưng không để khay bên cánh cửa. Bên cạnh đó không nên để trứng chung với những thứ có nhiều tinh dầu (gừng, hành, ớt) vì mùi của những loại này sẽ xâm nhập vào trứng thông qua lỗ thông khí trên vỏ trứng làm cho trứng bị biến chất.

Sữa đặc, dầu thực vật, mật ong: là những thứ không cần cho vào tủ lạnh bảo quản để không ảnh hưởng độ sánh, tránh kết tinh đường ở sữa đặc và mật ong. Chúng ta chỉ cần để chúng nơi khô ráo, thoáng mát và đậy kín tránh ruồi, gián, kiến.

Trái cây và rau củ

Theo kinh nghiệm chăm con của nhiều bà mẹ hiện đại thì đối với trái cây khi mua về mẹ nên cho ngay vào tủ, khi ăn hãy bỏ ra rửa và gọt bỏ. Để giữ được hàm lượng sinh dưỡng mẹ nên ăn trong vòng 3 ngày, không nên để quả quá lâu sẽ dễ bị héo, mất vị ngon.

Còn đối với những loại rau nhiều lá nhớ phải nhặt sạch những lá bị vàng, hỏng, rửa và để thật ráo nước rồi cho vào túi để bảo quản giữ lạnh. Tuy nhiên bảo quản trong tủ lạnh không có nghĩa là sẽ giữ được màu sắc, mùi vị và độ an toàn 100%. Bảo quản đúng cách chỉ nhằm phần nào hạn chế mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, giúp thực phẩm lâu bị hư hỏng hơn. Vì thế cách tốt nhất là mẹ vẫn nên cho con ăn đồ tươi trong ngày.

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội