Những điều cần biết về chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

Gần như mọi trẻ em trên toàn thế giới đều bị nhiễm rotavirus ít nhất một lần trong giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi. Rotavirus là nguyên nhân tiêu chảy hàng đầu ở trẻ em.

 Những điều cần biết về chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

 Những điều cần biết về chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

Hàng năm theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới có hơn 500000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy cấp do rotavirus.

Nguyên nhân và đường lây truyền rotavirus

Người và một số vật nuôi như bò, cừu, khỉ, chó… là nguồn mang virus. Rota virus ở động vật có thể lây truyền trực tiếp sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên người để gây bệnh. Đường lây truyền của rota virus là đường phân- miệng và đường hô hấp. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7 – 8 ngày kể từ lúc bệnh bắt đầu.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm rota virus. Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi hay mắc tiêu chảy cấp do rota virus nhất. Nguyên nhân tiêu chảy cấp là do nhiễm rota virus có thể gặp ở trẻ dưới 3 tháng và người lớn nhưng thường không có triệu chứng. Tính miễn dịch đối với rotavirus không bền vững nên bệnh vẫn có thể bị mắc lại.

Ở miền bắc, tỷ lệ mắc tiêu chảy cấp do virus rota tăng cao vào mùa đông xuân, cao nhất từ tháng 9 tới tháng 1. Trong khi đó ở miền Nam bệnh gặp quanh năm.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm rotavirus

Trẻ bú bình có nguy cơ tiêu chảy cấp cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn do vệ sinh bình không đúng cách.

  • Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến. Dụng cụ, tay người chế biến không đảm bảo vệ sinh.
  • Nước uống hoặc nguồn nước sinh hoạt không sạch.
  • Xử lý chất thải của người nhiễm rota virus không đúng cách. Đặc biệt còn do quan niệm rằng phân trẻ em không bẩn như phân người lớn.
  • Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…

Triệu chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

  • Thời kì ủ bệnh

Thời gian từ lúc nhiễm virus đến lúc có triệu chứng đầu tiên là 2 đến 3 ngày.

  • Thời kì toàn phát

Mức độ có thể đi từ không có triệu chứng đến tiêu chảy nặng gây các rối loạn nguy hiểm. Tuy nhiên thông thường, đặc trưng của bệnh viêm dạ dày ruột do rota virus là sốt, nôn và tiêu chảy.

Bệnh nhân đầu tiên cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Triệu chứng sốt nhẹ dưới 38.5 độ C gặp ở một nửa trường hợp. Sau đó, bệnh nhân nôn nhiều và tiêu chảy cấp. Đặc điểm tiêu chảy cấp do rota virus là đi ngoài 10-20 lần. Lượng phân ít, chủ yếu là nước, phân không nhầy máu.

Bệnh cảnh tiêu chảy cấp do rota virus thường nặng. Ở Việt Nam , 55% tiêu chảy cấp phải nhập  viện là do rota virus. Các rối loạn có thể gặp:

Mất nước nặng gây li bì, hôn mê.

Rối loạn điện giải.

Rối loạn kiềm toan.

Làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng.

Triệu chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

Triệu chứng tiêu chảy cấp do rotavirus

Điều trị và theo dõi bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus

Khi trẻ, đặc biệt trong giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi có triệu chứng nôn và tiêu chảy cấp, cần nghĩ đến do rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng lên rotavirus. Thông thường nhiễm trùng sẽ tự giải quyết trong 3-8 ngày. Cho nên dự phòng và xử lý mất muối nước mới là quan trọng

  • Bổ sung dịch cho trẻ bằng oresol hoặc dung dịch thay thế. Chú ý cách pha dung dịch oresol và cách uống cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ không uống được, cần bổ sung dịch đường tĩnh mạch.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc giảm nhu động ruột hay thuốc cầm tiêu chảy vì kéo dài thời gian thải virus.
  • Cách ly bệnh nhân trong 10-15 ngày và khử trùng đồ dùng, nơi ở bệnh nhân để tránh lây lan thành dịch.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường. Không nên bắt trẻ nhịn ăn hoặc chỉ uống nước cháo loãng.

Dự phòng tiêu chảy cấp do rotavirus

Phòng bệnh chủ động bằng cách uống vắc xin rota theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho trẻ từ 2 tháng tuổi để nuôi con khỏe. Trẻ đã được dùng vắc xin có ít nguy cơ tiêu chảy cấp do rota hơn, và nếu có thì bệnh sẽ nhẹ hơn.

Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm. Giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ ăn như bình sữa, dụng cụ hút sữa, thìa cốc. Không cho trẻ ăn thức ăn để ngoài lâu. Người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.

Phòng dịch tiêu chảy cấp do rota virus. Chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị kịp thời các bệnh nhân nhiễm rota virus. Xử lý và khử trùng vật dụng và môi trường sống của bệnh nhân. Ngoài ra cần giám sát các trọng điểm có nguy cơ cao như nhà trẻ, trường mầm non, cơ sở y tế,…

Nguồn giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội