Nguyên nhân và cách xử lý hiện tượng ra máu khi mang thai
Hiện tượng ra máu khi mang thai khiến cho rất nhiều mẹ bầu lo lắng. Chính vì đó, các mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng này để có biện pháp xử lý phù hợp nhất.
- Hình thành kỹ năng tham gia giao thông cho trẻ mầm non
- “Chuẩn đét” cách tính ngày rụng trứng để sinh con trai
- Dấu hiệu sắp sinh trước 1 tuần mẹ bầu cần “thuộc lòng”
Hiện tượng ra máu vùng kín khi mang thai
Chảy máu vùng kín khi mang thai là hiện tượng rất phổ biến, nhất là trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, khiến cho hầu hết mẹ bầu lo lắng, sợ hãi cho rằng đây là một triệu chứng sẩy thai. Hiện tượng này thường không phải là một vấn đề đáng lo ngại, tuy nhiên mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan, mà cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân nào gây ra hiện tượng ra máu khi mang thai.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ra máu vùng kín khi mang thai
Hiện tượng ra máu khi mang thai thường là do một số nguyên nhân như dưới đây:
Trứng đã được thụ tinh: Sau khi trứng được thụ tinh khoảng ngày thứ 8-12 sau khi thụ thai. Mẹ sẽ nhận thấy những đốm máu nhỏ màu nâu hoặc hơi hồng. Đó là dấu hiệu nhận biết mang thai sớm, hiện tượng này sẽ biến mất sau 1-2 ngày. Chị em rất dễ nhầm hiện tượng này với kinh nguyệt hàng tháng. Tuy nhiên ra máu khi trứng cấy vào tử cung sẽ có lượng rất ít và sẽ nhanh chóng hết.
Chảy máu màng: Khi mẹ bầu mang thai, lớp niêm mạc tử cung rất dễ bị bong trong do nội tiết tố trong cơ thể được đẩy lên mức cao. Hiện tượng này được xem là bình thường trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Lớp niêm mạng bong bị tống ra ngoài sẽ gây chảy máu nâu nhạt, xuất hiện cùng chất nhầy.
Tử cung nhạy cảm: Trong quá trình mang thai, do sự thay đổi hormone nên lượng máu được cung cấp đến tử cung cũng tăng lên, hiện tượng này có thể khiến vùng kín của mẹ bầu xuất hiện một vài đốm máu nhẹ, nhất là sau khi quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa. Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân này không đáng lo ngại và không có gì nguy hiểm tới mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, ở thời điểm này việc có một ít máu rỉ ra sau khi quan hệ vợ chồng là hoàn toàn bình thường, mẹ bầu không cần phải quá lo lắng
Tụ máu dưới màng đệm: Được cho là xảy ra do trứng đã làm tổ trong tử cung nhưng một phần bị bong ra khỏi thành tử cung. Tình trạng tụ máu dưới màng đệm nếu ở dạng nhẹ hoặc vừa có thể tự khỏi trong vòng 20 tuần. Tuy nhiên, cũng cần chú ý màu sắc và lượng máu vì nếu bị nặng có thể gây bong nhau thai và sẩy thai.
Chảy máu do nhiễm trùng: Một số mẹ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn ở cổ tử cung, âm đạo cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ra máu khi mang thai. Chảy máu vùng kín khi mang thai bởi nhiễm trùng thì mẹ bầu cần phải được xử lý càng sớm càng tốt, bởi nếu để lâu sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Dọa sảy thai: Dọa sảy thai có thể gây chảy máu nhưng nếu được can thiếp kịp thời bằng các loại thuốc thì cổ tử cung sẽ khép lại và lại có một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu bị chảy máu nặng sẽ rất khó giữ được thai nhi.
Thai ngoài tử cung: Trứng được thụ tinh ngoài tử cung, thường ở ống dẫn trứng. Mẹ bầu thường sẽ thấy chuột rút và đau nhức ở vùng bụng dưới kèm theo chóng mặt, yếu ớt và buồn nôn. Nó có thể đe doạ đến sức khỏe của mẹ và cần sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Theo thống kê, chỉ có 3% phụ nữ mang thai gặp trường hợp này.
Sảy thai: Đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong những tháng đầu mang thai. Các triệu chứng của sảy thai bao gồm chảy máu âm đạo gồm cả máu cục và dịch nhầy, co rút bụng dưới và đau thắt lưng. Có khoảng 50% phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu mà chảy máu nặng thì đều do sảy thai. Trong trường hợp này, mẹ cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mẹ bầu.
Vỡ tử cung: Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa, thường gặp ở những tuần cuối của thai kỳ. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung là khi tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và lớp phúc mạc, có thể xảy ra trên các thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung. Triệu chứng của vỡ tử cung gồm những cơn đau xảy ra đột ngột ở vùng tử cung và ra máu ở âm đạo.
Sinh non: Dấu hiệu sinh non sẽ đi cùng với chuột rút, các cơn co thắt đều đặn, áp lực khung chậu và đau lưng. Một vài ngày trước khi sinh, vùng kín sẽ bắt đầu xuất huyết. Nếu phát hiện sớm thì sẽ bảo đảm được sức khỏe của mẹ và bé.
Việc phát hiện sớm những nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu khi mang thai là điều vô cùng quan trọng về sức khỏe sinh sản của phụ nữ, bảo đảm được sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Chính vì điều đó nếu mẹ bầu thấy xuất hiện máu ở vùng kín, dù ít hay nhiều cũng nên đi kiểm tra sức khỏe để được đánh giá và xử lý kịp thời nhất.
Xử lý khi chảy máu trong quá trình mang thai
Biện pháp xử lý khi bị ra máu trong quá trình mang thai
- Việc đầu tiên khi thấy máu xuất hiện ở vùng kín, mẹ bầu cần phải theo dõi số lượng máu qua băng vệ sinh để biết máu chảy nhiều hay ít và loại máu gì (hồng, nâu, đỏ, máu tươi hay máu cục).
- Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày, tránh tình trạng viêm nhiễm.
- Nên báo cho người thân biết tình trạng chảy máu để kịp thời đưa tới bệnh viện trong trường hợp thai phụ choáng, ngất.
- Nếu có bất thường hoặc lo lắng, mẹ bầu nên đi khám để xử lý kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc như động thai, sảy thai, sinh non, thai ngoài…
- Khi thấy bị chảy máu, thường là dấu hiệu dọa sảy thai mẹ nên nằm nghỉ hoàn toàn, ăn các loại thức ăn mềm dễ tiêu. Đặc biệt, không nên quan hệ vợ chồng trong thời gian này.
- Nếu thấy ra máu kèm các triệu chứng: Đau quặn ở bụng dưới, chảy máu nhiều, âm đạo chảy máu kèm theo dải máu đông, choáng hoặc ngất, sốt cao trên 38 độ C hoặc ớn lạnh thì cần phải đi khám ngay lập tức.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tình trạng ra máu khi mang thai tháng đầu hoặc trong thai kỳ do các nguyên nhân bất thường, mẹ bầu nên thường xuyên đi khám thai và siêu âm thai định kỳ để phát hiện và giải quyết sớm những vấn đề bất thường của thai kỳ, Khám phụ khoa trước và trong khi mang thai nhằm phát hiện những bệnh lý về phụ khoa để điều trị cũng như theo dõi tình trạng bệnh và cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý bảo đảm sức khỏe người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi.
Nguồn: giaoductretho.net