Bé bị sốt và tiêu chảy có nguy hiểm không?

Thời tiết chuyển mùa, nhiều trẻ gặp triệu chứng sốt cao và tiêu chảy đi ngoài. Khi trẻ mắc tiêu chảy kèm sốt nhiều cha mẹ không rõ nguyên nhân do đâu, vậy cha mẹ nên làm gì?

 

Tiêu chảy có gây sốt không?

Tiêu chảy ở bé là gì?

 

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trên 2 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tình trạng bệnh của con khi con  đi ngoài nhiều lần hơn bình thường và thay đổi tính chất phân, phân lỏng như nước hay nhầy máu, kéo dài dưới 14 ngày. Bé bú mẹ thông thường có thể đi ngoài 5 – 7 lần/ ngày, nhưng phân sệt, lợn cợn màu xanh, có mùi chua và thường đi ngoài ngay sau khi bú, và bé không sốt, bú nhiều, chơi đùa vui vẻ thì không phải là bệnh tật gì cả.

Các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ định nghĩa của bệnh tiêu chảy, nếu bé đi ngoài nhiều hơn 2 lần trong 24 giờ, nhưng tính chất phân bình thường thì không được gọi là tiêu chảy. Để được coi là tiêu chảy, thì phải trên 2 lần bé đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước trong 24 giờ.

 

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở bé

 

Thông thường có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây tiêu chảy cho con, và sau đây là một số nguyên nhân gây tiêu chảy như:

  • Thường do virus.
  • Một số ít trường hợp là do vi khuẩn và ký sinh trùng.
  • Hoặc do dùng kháng sinh bừa bãi, kéo dài.
  • Hoặc do rối loạn tiêu hóa hấp thu ở ruột khi đổi loại sữa.
  • Triệu chứng của bệnh tiêu chảy ở bé

 

Khi bé bị tiêu chảy có những triệu chứng nào?

 

Giảng viên Cao đẳng Hộ Sinh – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cho biết, khi bé bị tiêu chảy rất dễ để các mẹ phát hiện thông qua các biểu hiện như sau:

  • Bé có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn.
  • Bé đi ngoài phân lỏng, màu vàng hoặc xanh, có thể kèm theo nhầy mủ, máu hoặc thức ăn không tiêu.
  • Bé buồn nôn, nôn ói ra thức ăn.
  • Bé có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi sốt cao gây co giật.
  • Bé đau bụng, quấy khóc.
  • Bé mót rặn.

Các dấu hiệu của tình trạng mất nước như: vật vã, bứt rứt hay nặng hơn là li bì khó đánh thức, thóp lõm (với bé nhũ nhi), mắt trũng, môi khô, tiểu ít, khát nước đòi uống liên tục, dấu véo da mất chậm. Tình trạng mất nước nặng có thể gây nguy hiểm cho bé.

 

Trẻ có thể bị tiêu chảy do sữa 

Điều trị tiêu chảy cấp ở bé

 

Đối với bé không có các dấu hiệu mất nước như trên, bé vẫn chơi, vẫn bú, ăn khá, thì cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà, không cần sử dụng kháng sinh, thuốc cầm đi ngoài. 

  • Cho bé uống nhiều nước: đối với những bé còn đang bú mẹ thì cho bé bú thường xuyên hơn và lâu hơn bình thường vì bé cần năng lượng để hoạt động, cũng như tăng cường để chống đỡ lại bệnh tật.
  • Bù điện giải cho bé bằng dung dịch nước biển khô – oresol: lưu ý cần pha đúng tỷ lệ nước theo hướng dẫn trên bao bì, bởi nếu pha ít nước sẽ khiến cho tình trạng mất nước của bé nặng thêm. Với bé dưới 2 tuổi, uống thêm 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài. Với bé trên 2 tuổi, uống 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài. Có thể cho bé uống từng muỗng hoặc từng ngụm nhỏ. Ngoài ra có thể sử dụng các loại nước khác như:
  • Nước muối đường: 01 muỗng muối + 08 muỗng đường + 01 lít nước đun sôi.
  • Nước cháo muối: 01 muỗng muối + 01 nắm gạo + 01 lít nước đun sôi.
  • Nước dừa muối: 01 muỗng muối + 01 lít nước dừa.
  • Cần tiếp tục cho bé ăn: các bà mẹ thường có tâm lý không cho bé ăn hoặc hạn chế cho bé ăn, dẫn tới tình trạng bé bị suy dinh dưỡng, càng làm cho tình trạng tiêu chảy nặng thêm. Cần cho bé ăn uống như bình thường, không kiêng cữ gì, có thể chia nhỏ bữa ăn để bé dễ tiêu hóa hơn.

Thông tin tại website chỉ mang tính tham khảo trong quá trình nuôi con khỏe dạy con ngoan. Vì việc sử dụng các thuốc như hạ sốt, kháng sinh hay men tiêu hóa cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không nên làm theo!

 

Nguồn: Giáo dục trẻ thơ tổng hợp


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội