Con bướng bỉnh làm thế nào để “trị” mà không dùng đến roi vọt
Rất nhiều bà mẹ khi thấy con bướng bỉnh không chịu nghe lời liền sử dụng những lời quát mắng, nạt nộ, thậm chí là sử dụng roi vọt. Tuy nhiên có những cách “trị” tính bướng bỉnh này nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Con bướng bỉnh làm thế nào để “trị” mà không dùng đến roi vọt
Đừng nghĩ rằng sử dụng roi vọt là con sẽ sợ, sẽ phải nghe lời răm rắp, cách làm này chỉ khiến con càng trở nên bướng bỉnh hơn nếu như sử dụng quá nhiều lần với con sẽ gây ra phản tác dụng, con sẽ lại càng không chịu nghe lời. Có những cách dạy con ngoan mà không cần động tay động chân tới roi vọt mà các mẹ nên tham khảo và áp dụng.
Lắng nghe con và không nên tranh luận quá gay gắt
Mỗi lúc con bạn có một ý kiến nào đó hoặc bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu nghe lời bố mẹ hãy đừng vội trách móc mà nên lắng nghe con, sau đó có cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với con. Bố mẹ nên thận trọng trong việc giao tiếp, sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Bố mẹ hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với con bằng cách hỏi một số câu hỏi như:
– Điều gì đang làm phiền con vậy?
– Con đang gặp phải vấn đề gì vậy?
– Giờ con muốn làm gì…
Những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp trẻ bình ổn lại tâm trạng và biết được mình đang nhận được sự quan tâm từ bố mẹ, hiểu rằng bố mẹ đang muốn đáp ứng cho nhu cầu của mình. Thay vì đánh mắng, sử dụng đòn roi thì cách này có hiệu quả hơn cả và con cũng sẽ chịu lắng nghe bố mẹ nói. Bố mẹ hãy cố gắng quan sát và tìm ra nguyên nhân nào khiến trẻ khó chịu, sau đó mẹ hãy từ từ làm dịu sự bướng bỉnh của con. Mẹ hãy nhớ rằng sự kiên nhẫn và bình tĩnh là chìa khóa giải quyết vấn đề, nếu làm tốt nó cũng chính là sợi dây liên kết tình cảm giữa con và bố mẹ.
Lảng tránh những đòi hỏi không đúng từ con
Nhiều đứa trẻ sẽ đòi hỏi những thứ ngớ ngẩn, thậm chí là thừa thãi trong khi đã có quá nhiều, ví dụ như một món đồ chơi, một quyển truyện… Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng bố mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của chúng, nên một khi không đòi hỏi được, chúng sẽ tức giận và la hét.
Cần kiên nhẫn khi nuôi dạy con cái
Do đó các bậc phụ huynh cần phải biết đâu là giới hạn cho trẻ nhỏ, con đang lớn đương nhiên sẽ có những tìm hiểu về mọi thứ, sự tò mò, muốn nuôi dạy con ngoan thì không phải điều gì cũng có thể đáp ứng được, phớt lờ hoặc lảng tránh những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu của con.
Hãy khen ngợi, động viên con những lúc con làm được việc tốt
Bạn không nên tiếc lời khen ngợi con mình khi chúng làm được những việc tốt cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn. Trẻ em học hỏi rất nhiều thông qua hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ. Bởi vậy nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay cãi nhau hoặc có những lời ăn tiếng nói không lịch sự thì chúng rất dễ học theo.
Đừng ép buộc con làm những việc mình không thích
Trẻ nhỏ cũng có tâm tư, nhu cầu và sở thích riêng vì thế bố mẹ đừng cố bắt ép các bé làm những điều mà bé không muốn bởi khi ấy các bé sẽ có xu hướng nổi loạn và không chịu nghe lời. Ví dụ như trẻ đang đọc một cuốn sách rất hăng say nhưng đã tới giờ đi ngủ, bố mẹ không nên giật sách bắt con phải cất ngay lập tức, điều này sẽ khiến cho con cảm thấy bực tức, tỏ thái độ vùng vằng khó chịu. Thay vào đó bố mẹ nên cùng con đọc một vài trang sách hỏi con vài câu hỏi liên quan đến nội dung cuốn truyện rồi khuyên bảo con đi ngủ.
Trẻ con như một tờ giấy trắng, tùy vào cách cư xử giáo dục của bố mẹ dạy sẽ hình thành tính cách cho con, chính vì thế hãy biết kiên nhẫn dạy con ngoan, dạy con những lời hay lẽ phải, tuyệt đối tránh sử dụng đòn roi nhé các bố mẹ.
Nguồn: Giáo dục trẻ thơ