Chế độ ăn cho người bị thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch. Nếu có chế độ ăn hợp lý sẽ giúp cho người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tránh những biến chứng do thủy đậu gây ra.

Người mắc bệnh thủy đậu nên ăn gì?

Nhận biết bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân, kéo dài đến mùa hè. Những người bị thủy đậu thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, phát sốt sau 24 – 48 giờ, sau đó bắt đầu xuất hiện những mụn nước và nhanh chóng chuyển thành những nốt bọng nước trên da. Mụn nước xuất hiện trong vòng 12 – 24 giờ, với kích thước từ 1 – 3 mm, chứa dịch trong. Nhưng với những trường hợp nhiễm khuẩn, mụn nước to và chuyển sang màu đục, sau khi khỏi bệnh sẽ để lại những sẹo lõm gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc đôi khi mụn nước nhiễm khuẩn có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Đối tượng thường mắc thủy đậu có thể là tất cả mọi người nhưng nhiều nhất là trẻ trong giai đoạn con đang lớn, người trưởng thành.

Những món ăn mát luôn tốt cho người mắc bệnh thủy đậu

Chế độ ăn cho người bị thủy đậu

Khi bị thủy đậu, người bệnh cần kiêng các thức ăn nhiều dầu mỡ cũng như những thức ăn có tính bổ dưỡng quá mức, hạn chế các thức ăn có tính cay nóng. Để hạn chế các thức ăn có tính cay nóng, người bệnh cần kiêng một số loại hoa quả như vải, long nhãn, xoài, mận…cũng như các loại gia vị có tính cay nóng như hành, tỏi, gừng, mù tạt, hạt tiêu, thì là, rau mùi. Trong đó cần đặc biệt kiêng vỏ quế. Đây là loại gia vị được nhiều người dùng và có tính đại nhiệt, có tác dụng ôn nhiệt, trợ hỏa, sử dụng vỏ quế khiến cho phần âm bị ảnh hưởng, tân dịch hao tổn, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu. Các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo như các loại hạt dẻ, lạc, hạt dưa, các loại bánh rán, thực ăn chiên xào, mỡ động vật…cùng nên hạn chế trong thực đơn của bệnh nhân thủy đậu vì khi những thực phẩm này sẽ làm cho da tiết nhiều dầu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó, những thực phẩm quá bổ dưỡng, nhiều đạm như thịt dê, thịt chó, thịt gà, các loại hải sản ( tôm, cua, cá, ốc…) cùng cần được hạn chế. Những người bị thủy đậu nên ăn những thức ăn thanh đạm, dễ tiêu nhưng cung cấp đủ chất dinh dưỡng đảm bảo tốt cho sức khỏe. Thực phẩm cho người bị thủy đậu nên được chế biến ở dạng lỏng hoặc nửa lỏng, dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo củ năng – ý dĩ, cháo gạo lứt, cháo kim ngân, cháo tiểu mạch, trứng, chuối, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao…tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, kiwi, dưa hấu… vitamin C có tác dụng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, đẩy nhanh quá trình sản sinh collagen, phòng ngừa sẹo lõm.Tuy nhiên, nếu hình thành những vết loét ở miệng, mụn nước xuất hiện ở khoang miện và vòm họng thì khi bổ sung vitamin C cần hạn chế những hoa quả có nhiều acid vì sẽ làm những vết thương này đau và loét hơn. Ổi là loại quả có vị ngọt và có chứa nhiều vitamin C. Người bệnh nếu không ăn được có thể sử dụng nước ép ổi. Nếu bị nhiễm khuẩn và có nguy cơ để lại sẹo, sau khi lành bệnh, bọng nước vỡ bắt đầu khô miệng và lên da non nên sử dụng nghệ tươi để hạn chế sẹo lõm.

Khi bị thủy đậu, bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn hợp lý, giữ gìn vệ sinh thân thể thì người bị thủy đậu cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp để tránh lây lan cho những người xung quanh như hạn chế tới nơi đông người, không sử dụng chung đồ cá nhân, quần áo, khăn mặt hoặc giặt chung quần áo với người khác.

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội