Trẻ bị khò khè – Có phải trẻ đã bị hen suyễn không?

Có nhiều bố mẹ thấy con mình ban đêm khi ngủ thường hay thở khò khè lặp đi lặp lại thì rất lo là bé đã bị hen suyễn nên đưa trẻ đi khám nhờ bác sĩ có thể tư vấn để hiểu rõ.

hãy cùng các bác sĩ, chuyên gia nhi khoa đến từ trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi cho vấn đề: “khò khè – có phải là bệnh hen suyễn hay không?

Làm sao biết được trẻ có bị hen suyễn hay  không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, con tôi thường bị khò khè khi ngủ, như vậy có phải là bé đã bị hen suyễn không ạ?

Trả lời:

Đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về giải phẫu của đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, miệng, thanh quản và đoạn trên khí quản. Đường hô hấp dưới bao gồm đoạn dưới khí quản, phế quản và hai lá phổi.

Khò khè là âm thanh được phát ra khi có tắc nghẽn đường hô hấp dưới, khi luồng khí hít vào và thở ra đi qua chỗ hẹp. Thông thường ba mẹ sẽ nhầm lẫn khò khè với tiếng khụt khịt mũi hoặc tiếng ngáy của trẻ. Để dễ phân biệt, tiếng khụt khịt mũi thường biến mất khi các bạn vệ sinh mũi cho con sạch sẽ, còn tiếng ngáy chỉ xảy ra trong lúc trẻ ngủ. Khò khè thường nghe rõ ở thì thở ra hơn thì hít vào và sẽ không mất đi sau khi rửa mũi, và nghe cả khi thức.

Trẻ bị khò khè có đồng nghĩa với bị hen suyễn hay không? Đây thực sự là một nhầm lẫn khá thường gặp của các phụ huynh. Khò khè cũng giống như ho, chỉ là triệu chứng và có thể do nhiều bệnh gây ra, trong đó hen suyễn chỉ là một trong những nguyên nhân gây khò khè. Nguyên nhân thường gặp gây khò khè ở trẻ em là viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi. Do vậy, trẻ bị khò khè không đồng nghĩa rằng 100% trẻ có hen suyễn, và vì thế việc dùng thuốc phòng ngừa hen suyễn một cách thường quy là việc không thực sự cần thiết.

Hỏi: Thưa bác sĩ, có khoảng bao nhiêu trẻ nhỏ bị thở khò khè khi ngủ?

Trả lời:

Khò khè thoáng qua hay tạm thời gặp trong hơn 50% trẻ em dưới 3 năm tuổi. Khò khè xảy ra khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm tiểu phế quản và sẽ hết khi trẻ khoẻ lại. Khò khè thoáng qua thường xuất hiện sớm ở trẻ dưới 1 tuổi, có khuynh hướng giảm dần và hết khi trẻ được 3 tuổi, khoảng 60% không có triệu chứng khi đến 6 tuổi. Lúc này đường thở của trẻ đã trưởng thành và phát triển lớn hơn về mặt kích thước. Do đó các mẹ cũng đừng lo lắng quá mức mà phải bình tĩnh để theo dõi con mình nhé!

Khò khè dai dẵng hay tiếp diễn thường có tuổi khởi phát trễ hơn nhóm khò khè tạm thời và thường sẽ tiếp diễn đến hết tuổi mẫu giáo. Trẻ nhóm này thường kèm theo cơ địa dị ứng, chàm, mề đay. Lúc này bạn nên cho bé đi khám và tư vấn với bác sĩ  nhi khoa để xem con bạn khả năng có bị hen suyễn hay không thông qua chỉ số tiên đoán hen và thăm khám lâm sàng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, tiêu chuẩn chẩn đoán hen là gì ạ?

Trả lời:

Chỉ số tiên đoán hen cải tiến (mAPI)

  • Tiêu chuẩn chính: trẻ có cha mẹ bị hen, trẻ bị chàm do bác sĩ chẩn đoán, mẫn cảm hay dị ứng với ít nhất một dị nguyên đường hít như nước hoa, nước sơn …
  • Tiêu chuẩn phụ: mẫn cảm hay di ứng với sữa, trứng, đậu, eosinophil/maú > 4%, khò khè không liên quan đến cảm lạnh.
  • API dương tính nếu có 1 tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ.
  • Nếu trẻ có API dương tính thì khả năng trẻ bị hen suyễn cao hơn.

Tóm lại, khò khè cũng chỉ là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó nhóm khò khè thoáng qua vẫn chiếm tỷ lệ cao nên các phụ huynh đừng quá hoang mang. Việc của bố mẹ là khi con khò khè nên theo dõi bé có kèm các dấu hiệu khác như sốt, bỏ bú, thở mệt, thở co kéo, tím tái thì phải đưa bé đến bệnh viện ngay để được bác sĩ điều trị và tư vấn kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn như thế nào?

Hỏi: Thưa bác sĩ, vậy bố mẹ có thể làm gì để phòng ngừa khò khè cho trẻ?

Trả lời:

Bác sĩ, chuyên gia giảng dạy bộ môn hệ Cao đẳng Dược chính quy tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho lời khuyên, để tránh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thở khò khè về đêm, bố mẹ nên làm theo các hướng dẫn sau:

  • Giữ bé tránh xa mùi khói thuốc lá, tránh xa những người hút thuốc lá để bé không ngửi phải khói thuốc lá và để bé tránh xa quần áo bị ám mùi khỏi thuốc lá.
  • Thường xuyên lau dọn các vật dụng trong nhà để tránh bám bụi, trong quá trình lau dọn nên đưa bé sang phòng khác hoặc sang nhà hàng xóm để bé không hít phải bụi
  • Dùng hệ thống thông gió trong nhà để tăng luồng không khí đối lưu, giúp không khí trong nhà được thông thoáng
  • Thay drap giường và chăn gối thường xuyên để tránh bám bụi bẩn
  • Thay bộ lọc trong lỗ thông hơi và vệ sinh máy điều hòa không khí thường xuyên ít nhất 6 tháng 1 lần
  • Theo dõi phản ứng của trẻ sau khi tiếp xúc với chó và mèo, nếu bé bị thở khò khè hoặc ho, có thể bé bị dị ứng, cần phải tránh xa.

Hy vọng những chia sẻ ở trên sẽ hữu ích với mọi người, thấy hay thì chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội