Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân có nguy hiểm không?

Sốt không rõ nguyên nhân còn gọi là sốt kéo dài theo định nghĩa là sốt trên 38oC, kéo dài hơn 3 tuần hoặc > 7 ngày. Vậy tình trạng sốt không rõ nguyên nhân có nguy hiểm không?

Việc điều trị bệnh có phức tạp và kéo dài không? có những biện pháp nào có thể điều trị bệnh hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để cùng tìm hiểu về tình trạng này. Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện này nhé!

Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra sốt không rõ nguyên nhân là gì?

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em là những nguyên nhân nào ?

Trả lời:

Nguyên nhân sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em có thể là nhiễm khuẩn ( thường gặp nhất bao gồm nhiễm khuẩn tiểu, xương khớp, viêm màng não, viêm nội tâm mạc, lao), bệnh hệ thống (thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh Kawasaki, lupus hệ thống, viêm ruột mạn), ác tính (bạch huyết cấp, lymphoma, neuroblastoma), miễn dịch (hội chứng thực bào máu) và một số nguyên nhân khác do thuốc, tăng thân nhiệt do bệnh lý não.

Hỏi: Chúng ta cần lưu ý các vấn đề gì khi bệnh nhân bị sốt ?

Trả lời:

Cần lưu ý thời gian sốt, đặc điểm của sốt, mức độ sốt, đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Các triệu chứng đi kèm với sốt như ho, nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, đau khớp, tiểu khó, sụt cân, mệt mỏi, rối loạn tri giác. Thuốc điều trị trước đó là kháng sinh, kháng sốt rét, corticoids. Bệnh đi kèm như bệnh tim, khớp, lao, HIV. Tình trạng chủng ngừa (chủng ngừa BCG). Dịch tễ sống hay với đi vào vùng sốt rét, thương hàn, tiếp xúc với nguồn lao.

Hỏi: Cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng nào ?

Trả lời:

Thường các trường hợp sốt không rõ nguyên nhân sẽ cho xét nghiệm theo từng bước:

Xét nghiệm thường quy (bước 1): Công thức máu, phết máu ngoại biên, dạng huyết cầu, ký sinh trùng sốt rét, CRP, VS, IDR, cấy máu, tổng phân tích nước tiểu, X-quang phổi ngay cả không có dấu hiệu hô hấp, siêu âm bụng khảo sát gan, lách, đướng mật, hạch ổ bụng, thận, áp xe sâu, cấy nước tiểu ngay cả không có triệu chứng đường tiểu.

Xét nghiệm theo nguyên nhân gợi ý hoặc chưa tìm được nguyên nhân sốt (bước 2): Làm lại công thức máu, cấy máu, Bilan lao BK trong dịch dạ dày, PCR lao trong các dịch màng phổi, màng não (nghi lao), phản ứng WIDAL, cấy phân (nghi thương hàn), huyết thanh chẩn đoán siêu vi Epstein-Barr virus, CMV, Mycoplasma (nghi các tác nhân siêu vi), siêu âm tìm các nốt sùi (nghi viêm nội tâm mạc), chọc dịch não tủy (nghi viêm màng não), thử ANA, VS, yếu tố thấp, LE cells (nghi bệnh lý mô liên kết, miễn dịch), tủy đồ (nghi bạch huyết cấp, hội chứng thực bào máu).Sinh thiết khối u hoặc hạch cổ (nghi lao hoặc ác tính), chức năng gan, thận, thử HIV, CT ngực, bụng (nghi khối u, abces).

Nguyên tắc điều trị sốt không rõ nguyên nhân như thế nào?

Hỏi: Nguyên tắc xử trí khi trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân là gì và bệnh được điều trị ra sao ?

Trả lời:

Nguyên tắc xử trí

Nhập viện để tích cực tìm nguyên nhân.

Điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân.

Không điều trị thường quy kháng sinh hoặc corticoids.

Điều trị triệu chứng.

Điều trị đặc hiệu

Biện pháp điều trị

Nếu tìm được nguyên nhân sẽ điều trị theo nguyên nhân. Nếu không tìm được nguyên nhân kèm theo tình trạng bệnh nhân nặng sẽ điều trị theo kinh nghiệm.

Kháng sinh

Chỉ định kháng sinh khi có ổ nhiễm trùng hoặc lâm sàng có dấu hiệu gợi ý hội chứng nhiễm trùng như sốt > 38,3oC kèm thở nhanh hoặc mạch nhanh hoặc có một trong các biểu hiện sau rối loạn tri giác cấp tính, tiểu ít, toan chuyển hóa, sốc, xuất huyết da niêm, tổn thương gan. Đồng thời kết quả cận lâm sàng thấy bạch cầu đa nhân > 15.000/mm3 hay < 5000/mm3 kèm theo tăng band neutrophil > 10% ± hạt độc, không bào hoặc CRP > 20 mg/l. Kháng sinh được lựa chọn ban đầu là Cefotaxim với liều 100 – 200 mg/kg/ngày theo đường tiêm tĩnh mạch.

Kháng sốt rét

Chỉ định dùng kháng sốt rét khi ký sinh trùng sốt rét (+), bệnh nhân sống hay đi đến vùng dịch tễ sốt rét kèm theo sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, dùng Artemisnin trong 5 ngày.

Kháng lao: chỉ định kháng lao trong sốt kéo dài kèm có bằng chứng nhiễm lao.

Gama globuline: bệnh KAWASAKI.

Thuốc ức chế miễn dịch: chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch khi thật cân nhắc sau khi đã loại trừ các nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh ác tính, Test ANA (+).

Sốt do thuốc là chẩn đoán cần đặt ra nếu bệnh nhân đang dùng kháng sinh mà vẫn còn sốt, thường sốt mức độ nhẹ hoặc trung bình kèm tổng trạng tốt, trẻ lên cân, ăn uống bình thường. Thường bệnh nhân hết sốt sau khi ngừng thuốc kháng sinh 24 – 48 giờ.

Điều trị triệu chứng dùng thuốc hạ sốt như Paracetamol 10 – 15 mg/kg/liều mỗi 4 – 6 giờ, uống nhiều nước, dinh dưỡng đầy đủ, cung cấp thêm vitamin và nguyên tố vi lượng.

Hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã hiểu thêm phần nào về nguyên nhân, biểu hiện cũng như biện pháp điều trị khi trẻ bị sốt cao kéo dài. Chúc các bạn luôn vui khỏe!

Nguồn: giaoductretho.net


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội