Thời điểm giao mùa và cách phòng bệnh cúm cho con nhỏ

Bệnh cúm phát triển mạnh khi nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm cúm. Vì vậy cha mẹ lưu ý cách chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ đúng cách.

 

 

Tháng 9 trẻ dễ mắc bệnh cúm?

 

Hiện nay đang trong thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 – đây là thời điểm giao mùa. Vào thời điểm giao mùa, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh lý ở trẻ như hô hấp nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, hàng năm có khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị nhiễm cúm. Trong đó, trẻ em cũng là đối tượng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do bệnh cúm.

 

Dấu hiệu bệnh cúm ở trẻ em

Sau khi tiếp xúc với virus cúm khoảng 2 ngày sau đó, trẻ có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm:

  • Xuất hiện những cơn sốt
  • Có cảm giác ớn lạnh
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Đau nhức cơ bắp
  • Ho
  • Đau họng
  • Ăn không ngon.
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn.
  • Đau tai
  • Chảy nước mũi.
  • Cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.
  • Tiêu chảy

 

Nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh cúm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh cúm bùng phát và dễ lây nhiễm cho trẻ nhỏ, các mẹ có thể tham khảo như sau:

  • Trẻ ở trong môi trường có độ ẩm thấp và nhiệt độ không cao (khí hậu lạnh, ẩm)
  • Môi trường sống của trẻ không thông thoáng, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm thấp, mật độ dân cư đông đúc dễ làm lây truyền virút cúm.
  • Khoảng cách giữa người bệnh  và người lành không an toàn (<1m) làm người dễ hít các giọt tiết bắn ra từ người bệnh, nhất là trẻ em.

Cha mẹ nên tiêm phòng cúm khi trẻ đủ tuổi tiêm

 

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị bệnh cúm tại nhà

Cha mẹ trong quá trình chăm sóc nuôi con khỏe cần chú ý những nguyên tắc sau:

  • Hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt đo được từ 38 độ C bằng paracetamol đơn chất với liều 10mg – 15mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 – 6 giờ kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết.
  • Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước.
  • Nhỏ mũi, hút mũi giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ để tránh nhiễm lạnh.
  • Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ bằng cách đánh răng, súc miệng nước muối để loại bỏ vi khuẩn và kháng viêm.
  • Bổ sung vitamin C cho trẻ như nước chanh, cam tươi, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh.
  • Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như sữa nóng, cháo, súp dinh dưỡng, …

Nếu thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm hoặc trầm trọng hơn, trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn bỏ uống, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Phòng bệnh cúm cho trẻ như thế nào?

Chủ động phòng bệnh là cách tốt nhất giúp trẻ vừa tránh được bệnh vừa giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh. Cha mẹ nên:

  • Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch.
  • Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người: siêu thị, bệnh viện, công viên, rạp chiếu phim…
  • Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m).
  • Tập cho trẻ thói quen che miệng khi ho.
  • Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống của trẻ thật tốt.
  • Cách phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm.

Giảng viên Cao đẳng Hộ Sinh – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur mách các mẹ trong quá trình điều trị và chăm sóc trẻ cha mẹ cần nhớ rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cảm cúm hay phòng ngừa bội nhiễm. Kháng sinh có thể cần thiết nếu cảm cúm bị bội nhiễm vi trùng như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang. Nếu bố mẹ tự ý mua và cho con dùng kháng sinh khi chưa có sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, tăng nguy cơ kháng thuốc.

Nguồn: Giáo dục trẻ thơ tổng hợp


Trường Cao đẳng Dược Hà Nội