Tham khảo chế độ dinh dưỡng dành cho bà mẹ nuôi con bú
Sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Vì thế chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này là điều hết sức quan trọng.
- Chế độ dinh dưỡng cho những ông bố tương lai
- Cẩn thận với căn bệnh trầm cảm sau sinh
- Tìm hiểu về hiện tượng sa tử cung ở phụ nữ
Thế nào được coi là dinh dưỡng hợp lý của bà mẹ cho con bú
Chế độ dinh dưỡng quan trọng cho bà mẹ nuôi con
Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM), nhất là trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cần đảm bảo cho người mẹ tiết đủ sữa với chất lượng tốt để NCBSM và duy trì tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của chính mình. Chế độ ăn nhiều hơn về số lượng và đảm bảo tính đa dạng thực phẩm. Thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng. Khẩu phần cả ngày của bà mẹ cho con bú nên chia làm nhiều bữa trong ngày (3-6 bữa/ngày). Uống đủ nước: 2,5 – 3 lít nước/ngày. Ngoài những chế độ ăn quan trọng trên các bà mẹ cần bổ sung thêm một vài dưỡng chất quan trọng sau:
Protein
Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: thêm 19 gam/ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 78g/gam ngày. Lượng protein động vật nên đạt ≥ 35% protein tổng số. Nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ). Số lượng thực phẩm có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g protein, 100g đậu phụ cung cấp khoảng 10g protein, 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Có như thế chất lượng sữa của mẹ mới đảm bảo để nuôi con khỏe.
Chất béo
Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 30-35% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Vitamin và khoáng chất
Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥400g trái cây, rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón. Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng sau khi sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa. Trong trường hợp cần thiết, người mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D và can xi. Ngoài ra mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa.
Những điều cần tránh khi cho con bú mẹ
Không nên ăn uống kiêng khem quá mức (ăn ít rau, không chú ý uống nước, quá nhiều gia vị cay, mặn…). Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc. Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt..), không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Bên cạnh việc cung cấp đầu đủ dưỡng chất mẹ cũng cần có chế độ ngủ nghỉ hợp lý, không lao động quá mức, không làm việc nặng nhọc. Có như thế chất lượng sữa mới được đảm bảo cũng như giúp cơ thể mẹ tăng sức đề kháng, tránh dược nhiều bệnh ở mẹ trong quá trình nuôi con.
Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các mẹ không ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường và không nên sử dụng đồ uống có cồn.