Cách xử lý và phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc họng hạch là một loại bệnh lý về mắt do Adenovirus gây ra và rất dễ lây lan thành dịch. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải biết cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ khi bị đau mắt đỏ.
- Phương pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non
- Mẹ Việt nên học người Nhật cách giáo dục trẻ sơ sinh
- Cách nào để giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ?
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Cách nhận biết trẻ bị đau mắt đỏ
Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, tuy nhiên năm nay dịch đau mắt đỏ lại đang có xu hướng gia tăng vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, do sức đề kháng của trẻ còn yếu, chính vì thế, phụ huynh cần phải quan tâm, chú ý tới những dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị đau mắt đỏ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi bị đau mắt đỏ, trẻ thường có biểu hiện chính là mắt đỏ và có ghèn, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, buổi sáng ngủ dậy hai mắt bị dính chặt bởi dỉ mắt. Dỉ mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt. Thông thường sẽ đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.
Bên cạnh đó, trẻ bị đau mắt đỏ có thể kèm theo những triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai, bệnh đau mắt đỏ tuy không làm suy giảm thị lực của trẻ nhưng nếu không điều trị sớm bệnh phát triển nặng hơn khiến mắt trẻ có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt và xuất huyết dưới kết mạc…
Xử lý đau mắt đỏ ở trẻ như thế nào?
Nhiều bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm chăm con khi bị đau mắt đỏ rất hiệu quả, có thể khỏi chỉ trong vòng 2 ngày mà mẹ không nên bỏ qua như:
Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý 5 đến 6 lần mỗi ngày: Vệ sinh mắt là việc làm cần thiết để trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ, mẹ nên chú ý tới nguyên tắc là vệ sinh mắt bên nhẹ trước sau đó mới vệ sinh mắt bị nặng hơn, trường hợp trẻ bị đau một bên mắt thì mắt không bị đau cũng cần phải được vệ sinh trước. Lấy giấy thấm, lau nước ở dưới đuôi mắt để phòng việc nước mắt chảy xuống giường, gối đệm sẽ mang theo virus gây bệnh lây lan sang cho người khác. Dùng khăn giấy lau khô dử mắt và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cho trẻ sau khi vệ sinh xong.
Để mắt bé được nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi trẻ bị đau mắt đỏ, tốt hơn hết là mẹ nên để cho con ở nhà nghỉ ngơi, không nên cho con đi học sẽ khiến bệnh nặng hơn và còn lây lan sang cho các bạn khác, hạn chế cho con xem tivi, nghịch điện thoại hay máy tính bảng… điều này sẽ khiến cho mắt bị chói, nước mắt chảy nhiều hơn, bệnh tiến triển nặng hơn.
Với những trẻ bị đau mắt đỏ do dị ứng thì thường sẽ ngứa ngáy rất khó chiu, mẹ cần lưu ý không được cho trẻ dụi mắt, vì làm thế không giảm được ngứa mà còn có nguy cơ tổn thương niêm mạc mắt. Thay vào đó mẹ có thể đắp một miếng gạc lạnh lên mắt trẻ để làm dịu. Cũng có thể dùng thuốc tra mắt không kê đơn như Naphcon-A hoặc Opcon-A, chứa kháng histamin và tác nhân gây co mạch.
Ngoài ra, việc tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất cũng là một bí quyết nuôi con khỏe mạnh, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ là rất cần thiết, để nhanh lành bệnh hơn, cho con uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
Không được xông lá trầu không: Nhiều ông bố bà mẹ tìm hiểu những mẹo trị đau mắt đỏ bằng cách xông lá trầu không, tuy nhiên cách làm này không những không làm cho tình trạng bệnh thuyên giảm hơn mà còn khiến tình trạng mắt sưng nề, khó chịu hơn rất nhiều. Mẹ không nôn nóng mà áp dụng cách này hay sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh đau mắt đỏ cho con. Cách làm hiệu quả nhất vẫn là rửa muối sinh lý vệ sinh mắt. Nếu thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm thì tốt hơn hết lên tới bệnh viện để trẻ được thăm khám và có liệu pháp điều trị phù hợp nhất.
Biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ cho trẻ
Đau mắt đỏ là một căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và rất dễ bùng phát thành dịch. Chính vì điều đó mà việc trang bị những kiến thức phòng bệnh cho con trẻ là rất cần thiết.
Tuyệt đối không cho con tiếp xúc hay dùng chung đồ với những trẻ nghi bị bệnh, hạn chế cho trẻ đi ra ngoài hay tới những nơi đông người, khu vực đang có dịch, nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
Cách phòng ngừa và xử lý bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Phải luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch, vệ sinh tay chân bằng xà phòng không chỉ giúp trẻ phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ mà còn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ con. Cho trẻ sử dụng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt, giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày, không lấy tay để dụi mắt.
Nếu đang ở trong khu vực có dịch bệnh đau mắt đỏ, mẹ nên thường xuyên vệ sinh mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý cũng là cách để phòng bệnh cho trẻ. Hạn chế cho con sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế cho con đi bơi.
Cho trẻ tập luyện thể thao và cung cấp đầy đủ vitamin, dưỡng chất cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ.
Khi con bị bệnh thì mẹ nên cho con ở nhà để nghỉ ngơi và điều trị, không nên cho trẻ tới những nơi công cộng như bể bơi, trường học… để tránh lây lan sang cho bạn khác.
Nguồn: giaoductretho.net