Cách xử lý hen suyễn tại nhà hiệu quả các mẹ cần biết
Hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính đường thở nhỏ thường xảy ra ở trẻ có đường thở nhạy cảm dễ co thắt, khi trẻ lên cơn hen bé sẽ khó thở. Vậy cách xử lý hen suyễn như thế nào là hiệu quả?
- Biểu hiện viêm xoang và nguyên tắc điều trị viêm xoang hiệu quả
- Tìm hiểu bệnh vàng da ở trẻ em sơ sinh là bệnh gì?
- Bệnh ho gà ở trẻ em có nguy hiểm không?
Trẻ bị lên cơn hen suyễn cần xử lý như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn và một số nguyên nhân gây hen suyễn, hãy cùng trò chuyện với các Bác sĩ chuyên gia – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhé!
Hen suyễn là bệnh có tính di truyền. Mặc dù chưa có thuốc chữa dứt điểm, nhưng với việc kiểm soát và giáo dục tốt về bệnh hen suyễn, trẻ em mắc bệnh này có thể có một cuộc sống bình thường.
Hỏi: Thưa bác sĩ, những yếu tố nào có thể gây khởi phát cơn hen suyễn ở trẻ nhỏ ạ?
Trả lời:
Các yếu tố khởi phát cơn hen suyễn bao gồm
- Không khí lạnh, nhiễm vi khuẩn, virus
- Bụi, con mạt nhà
- Môi trường ẩm mốc hay khói thuốc lá
- Lông thú cưng, một số cây trồng trong nhà, phấn hoa
- Về thức ăn, những loại thức ăn đã từng dị ứng nặng hoặc khởi phát cơn hen thì cần kiêng, chứ không kiêng hết tất cả, thậm chí là trứng, hải sản hay thịt bò.
- Cảm xúc và gắng sức cũng có thể gây phát cơn hen.
Hỏi: Thưa bác sĩ, làm sao để nhận biết được trẻ đang lên cơn hen cấp ạ?
Trả lời:
Hen suyễn có thể biểu hiện những đợt cấp với các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở hoặc cảm giác nặng ngực ở trẻ lớn. Các triệu chứng thường xảy ra ban đêm hoặc nửa đêm đến gần sáng khiến trẻ bứt rứt, khó ngủ. Khi bé lên cơn hen không nhất thiết phải có đầy đủ tất cả các triệu chứng.
Khi bé lên cơn hen cấp thì cần dùng các thuốc cắt cơn suyễn: đây là các thuốc có tác dụng nhanh khiến cho việc thở được dễ dàng hơn bằng cách làm cho đường hô hấp rộng hơn, thông thoáng hơn. Thuốc thường dùng cho trẻ là chính là Ventoline, chai thuốc có màu xanh dương xịt qua buồng đệm hoặc dạng khí dung. Phụ huynh lưu ý luôn đem theo cho trẻ thuốc cắt cơn hen suyễn.
Hỏi: Thưa bác sĩ, khi bé lên cơn hen cấp tại nhà thì nên xử lý như thế nào ạ?
Khi bé lên cơn hen suyễn cấp tại nhà, phụ huynh phải bình tĩnh và làm theo các bước sau:
- Bước 1: Cho trẻ ngồi thẳng, trấn an trẻ, đối với trẻ nhỏ có thể cho trẻ ngồi trong lòng mẹ. Lưu ý không bao giờ để cho trẻ ở một mình.
- Bước 2: Xịt Ventoline MDI qua buồng đệm với 4-6 nhát. Sau mỗi nhát hít thở trong 30 giây hoặc 6 nhịp thở của trẻ. Hoặc dùng Ventoline dạng khí dung cho trẻ nhỏ.
- Bước 3: Bạn có thể chờ trong ít phút (khoảng 4 phút), nếu trẻ không giảm triệu chứng hoặc không đáng kể, thì bạn có thể lặp lại lần 2, lần 3.
- Bước 4: Sau khi lặp lại bước 2 và bước 3 mà không thấy đỡ gì cả hoặc đỡ rất ít, gọi xe cứu thương đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Tiếp tục lặp lại bước 2, bước 3 trong lúc chờ xe cứu thương đến. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Hãy luôn nhớ, chỉ có bạn mới có thể giúp trẻ thoát khỏi tình trạng cấp cứu hiện tại. Phụ huynh phải luôn trong tư thế sẵn sàng xử trí cơn hen suyễn cấp mọi lúc mọi nơi khi gia đình bạn có trẻ bị hen suyễn.
Dùng thuốc trị hen suyễn ở trẻ như thế nào là đúng?
Hỏi: Thưa bác sĩ, con tôi bị hen suyễn, được bác sĩ kê cho thuốc xịt Ventolin, tuy nhiên tôi không rõ cách sử dụng bình xịt lắm, cách sử dụng bình xịt ạ.
Trả lời:
Các bước thực hiện chúng ta cần lưu ý
- Bước 1: Lắc đều bình xịt sau đó mở nắp ra. Đọc hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc xem bạn có cần xịt bỏ một liều đầu trước khi sử dụng hay không.
- Bước 2: Hãy gắn miệng bình xịt vào buồng đệm.
- Bước 3: Tháo nắp buồng đệm, gắn mặt nạ đối với trẻ em dưới 4 tuổi. Ngậm miệng sao cho khít với buồng đệm hoặc đặt mặt nạ phủ kín mũi miệng.
- Bước 4: Đối với trẻ nhỏ hơn thì cho bé ngồi dựa vào người mẹ, cổ hướng ra sau, mặt hướng về phía trước. Trẻ lớn hơn thì ngồi ngã đầu nhẹ ra sau và từ từ thở ra hết toàn bộ khí trong phổi. Giữ bình xịt ở tư thế thẳng đứng sao cho miệng bình xịt nằm ở dưới. Ấn một xịt thuốc vào buồng đệm và bắt đầu hít vào từ từ (bóp trước rồi mới hít vào).
- Bước 5: Nín thở trong 10 giây để thuốc có thời gian đi vào phổi. Với trẻ nhỏ có thể đợi trẻ hít vào và thở ra bình thường khoảng 6 lần.
- Bước 6: Bỏ buồng đệm ra sau khi đã thở hít đủ 6 lần
- Bước 7: Nếu cần sử dụng liều xịt thứ 2 thì thực hiện lại các bước như trên sau khoảng 1 phút
- Bước 8: xúc miệng bằng nước ấm sạch sau liều thuốc cuối cùng rồi nhổ nước ra ngoài, bước này thường hay bị bỏ quên, tuy nhiên nó có một ý nghĩa quan trọng, nếu bỏ qua bước này rất dễ gây viêm mũi họng, viêm đường hô hấp ở trẻ.
Bác sĩ Dương Trường Giang giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho lời khuyên: Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi sử dụng thuốc xịt cho trẻ cần phải thực hiện đủ các bước để đảm bảo sao cho thuốc vào đúng nơi cần thiết, nếu không nhớ rõ các bước thực hiện thì cần hỏi lại bác sĩ hoặc dược sĩ.
Nguồn: giaoductretho.net