Bác sĩ tư vấn cách xử lý khi bị chảy máu mũi
Chảy máu mũi bệnh lý thuộc vùng tai mũi họng khá phổ biến ở trẻ em, khi máu tươi đột ngột chảy ra ở hốc mũi phần lớn phụ huynh lo lắng và không biết xử lý sao. Vậy cách xử lý như thế nào là đúng khi bị chảy máu mũi.
- Cách xử lý hen suyễn tại nhà hiệu quả các mẹ cần biết
- Vì sao trẻ dưới 2 tuổi khóc nhiều hay cười nhiều có thể bị lồng ruột?
- Tìm hiểu bệnh vàng da ở trẻ em sơ sinh là bệnh gì?
Mũi là nơi dễ bị chấn thương và dễ chảy máu. Có 3 mức độ chảy máu nhẹ, vừa và nặng. Cách xử trí trong các trường hợp khác hẳn nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chảy máu mũi, chẳng hạn như chấn thương, bị đánh vào mũi. Một số nguyên nhân khác như các chất hóa học, nhiễm trùng, bất thường mạch máu trong mũi, các bệnh lý rối loạn đông máu, tăng huyết áp. Thường gặp mũi khô do hít phải không khí khô nhất là mùa đông.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách xử trí khi bị chảy máu mũi. Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện này nhé!
Chảy máu mũi bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em
Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết chảy máu mũi được phân thành các mức độ nặng nhẹ như thế nào?
Trả lời:
Khám thấy số lượng máu chảy trong 15 phút:
Chảy máu mũi nhẹ (điểm mạch): 5ml.
Chảy máu mũi vừa (chảy từ trên xuống): 50ml.
Chảy máu mũi nặng (chảy ra phía sau): 300ml.
Hỏi: Cần làm các xét nghiệm nào trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu mũi? Bệnh được chẩn đoán xác định khi nào và cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng bệnh lý nào khác?
Trả lời:
Đề nghị xét nghiệm:
CTM – Hct – tiểu cầu – TS,TC.
Nhóm máu khi cần truyền máu.
TQ, TCK, định lượng yếu tố VII, VIII, IX, X (nếu nghi ngờ bệnh ưa chảy máu).
X-quang mũi xoang, sọ nghiêng (nếu nghi ngờ có nguyên nhân của vùng mũi họng).
Nội soi mũi khi chảy máu tái phát nhiều lần hoặc chảy máu lượng nhiều.
Chẩn đoán xác định dựa vào khám lâm sàng và nội soi có máu tươi chảy ra mũi trước, chảy xuống thành sau họng.
Chẩn đoán có thể khi hốc mũi có máu đông, rỉ nhẹ máu ở thành sau họng, khịt mũi có máu.
Chẩn đoán phân biệt với chảy máu từ các xoang có sốt, đau vùng xoang, hỉ mũi có máu. Chảy máu từ u xơ gặp ở trẻ trai, chảy máu tái phát số lượng ngày càng nhiều. Bướu máu mũi, dị dạng mạch máu mũi chẩn đoán qua nội soi. Bệnh Osler có sốt kéo dài, tim bẩm sinh. Bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh có tiền sử hay chảy máu, rối loạn đông máu trên xét nghiệm.
Hỏi: Vậy nguyên tắc điều trị chảy máu mũi là gì và cần xử trí như thế nào? Chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Cúi đầu ra trước để máu chảy ra ngoài
Trả lời:
Nguyên tắc điều trị:
Cầm máu.
Điều trị nguyên nhân chảy máu.
Xử trí ban đầu bằng cách cầm máu:
Trong trường hợp chảy máu mũi nhẹ: trẻ ngồi đầu cúi về trước, dùng ngón trỏ và ngón cái bóp hai cánh mũi trong vòng 10 – 15 phút. Nhét bông hoặc bấc vào tiền đình mũi nơi chảy máu. Có thể đốt điện lưỡng cực.
Trong trường hợp chảy máu mũi vừa: nhét mũi trước. Dùng bấc hay merocel nhét vào hốc mũi đang chảy máu theo hệ thống đèn xếp từ trên xuống dưới, và từ trong ra ngoài. Kiểm tra lại sau khi nhét bấc. Nếu không hết chảy máu có thể nhét mũi sau.
Trong trường hợp chảy máu mũi nặng: nhét mũi sau. Dùng bông cầu tấn ở vùng vòm, sau đó nhét mũi trước như kỹ thuật trên. Cột hai dây của bông cầu vào một cái phao ở cửa mũi trước. Một sợi dây ở họng được dán băng keo ở má. Sợi này dùng để rút bông cầu sau này. Kiểm tra kỹ sau nhét mũi sau. Sau 24 giờ, nếu không hết chảy máu phải thắt động mạch hàm trong, hoặc động mạch cảnh ngoài. Có thể dùng bao cao su đặc biệt loại có eo ở giữa. Đưa vào mũi một phần ở vòm, eo ở cửa mũi sau và phần kia chiếm hốc mũi. Bơm phồng lên.
Cầm máu bằng phương tiện nội soi (nếu có phương tiện) khi thất bại với các phương pháp trên thì gây mê. Nội soi tìm nơi chảy máu. Đốt điện cầm máu. Thắt động mạch bướm khẩu cái hay động mạch sàng trước.
Điều trị theo nguyên nhân:
- Chảy máu mũi do chấn thương xoang: phẫu thuật sắp xương và cầm máu.
- Chảy máu mũi do khối u: phẫu thuật lấy bỏ khối u.
- Chảy máu mũi do dị vật: lấy dị vật.
- Chảy máu mũi do nhiễm trùng: kháng sinh.
- Chảy máu mũi do rối loạn đông máu: hội chẩn chuyên khoa.
Chăm sóc sau cầm máu:
Giảm đau bằng Paracetamol.
Kháng sinh: Amoxycillin, Cefalexin. Nếu dị ứng, dùng Erythromycin. Trong trường hợp nhét mũi sau, bệnh nhân uống rất khó, nên dùng Ampicillin tiêm từ 3 đến 7 ngày.
Theo dõi chảy máu, nhiễm trùng. Rút nhét mũi trước 24 -48 giờ sau. Rút nhét mũi sau 72 giờ sau. Bệnh nhân được ra viện sau khi rút bấc, bệnh ổn từ 1 đến 3 ngày. Tái khám mỗi tuần cho đến khi ổn định.
Chúng ta có thể hạn chế chảy máu mũi nếu biết kiểm soát tốt huyết áp, tránh dùng thuốc chứa aspirin nếu hay bị chảy máu mũi. Nếu được nên làm ẩm không khí trong nhà. Dùng khăn choàng giữ ấm cổ khi trời lạnh. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C cũng là một biện pháp tốt hạn chế tình trạng này.
Chúng tôi hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã có thêm những kiến thức cần thiết về tình trạng chảy máu mũi, đặc biệt nếu cần thiết thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc. Chúc các bạn luôn vui khỏe !
Nguồn: giaoductretho.net